Có rất nhiều bạn startup đặt câu hỏi rằng “làm sao để ý tưởng của mình không bị đánh cắp?”. Xin thưa rằng, ý tưởng của bạn đã có hàng trăm người ngoài kia đã nghĩ ra nó rồi hoặc đã có người thực hiện rồi chỉ có điều là bạn không biết thôi. Nếu thật sự là một người sáng tạo về ý tưởng, hãy bỏ ra khỏi đầu tư duy suy nghĩ lạc hậu, rằng ý tưởng của mình là độc nhất vô nhị, vì chuyện đó khó lòng có thể xảy ra. Có một câu nói trong Kinh Thánh mà tôi nhớ mãi “There’s nothing new under the sun” (Ecc 1:9), tạm dịch là dưới ánh mặt trời, chẳng có gì là mới lạ. Một số người đã thừa biết điều này, một số người có thể hơi shock vì nhận định trên và thậm chí là đã sẵn sàng tư thế “ném đá”, hãy tạm giữ cục đá lại và cùng tôi nói về cội nguồn của sự sáng tạo. Vậy cội nguồn của ý tưởng sáng tạo là gì?
Nếu nhìn vào thực tế, con người từ trước tới nay thường sẽ tìm kiếm sự sáng tạo từ những người đi trước. Chúng ta là hậu nhân và luôn muốn tìm kiếm một ngọn lửa soi sáng từ cha ông của mình, từ những người truyền được cho ta nguồn cảm hứng để nhìn vào thế giới hữu hình mà ta đang sống. Từ đó ta sẽ tìm ra được hình ảnh của mình trong tương lai, một niềm tin để hướng đến trong cuộc sống.
Thường ta sẽ có xu hướng định hình mình từ một hình tượng nào đó. Không phải vô lý mà những đứa trẻ con lại thích chơi trò đóng làm các siêu anh hùng, đó được coi là bước đầu cho những người lớn tương lai, khi họ nhận ra rằng siêu nhân không có thật, họ sẽ bắt đầu đóng vai những Steve Jobs, những Bill Gate, hay những Jack Ma của thời đại mới. Nếu cũng như tôi, bạn sẽ luôn tìm kiếm mọi thứ về thần tượng của mình để đọc, bạn muốn biết tất cả về họ, tại sao họ lại thành công, tại sao sản phẩm của họ lại được thế giới đón nhận, tại sao và tại sao.
Hàng trăm câu hỏi đó cốt chỉ để bạn tìm được câu trả lời cho chính mình. Bạn đánh cắp ý tưởng, đánh cắp suy nghĩ của những thần tượng của mình, để “tiêu hoá” rồi chuyển thành nguồn năng lượng sáng tạo cho chính bản thân. Có thể hôm nay ta học mười điều từ Jobs mai lại học chục điều từ Gates, và cứ thế cứ thế chúng ta thấy được mình đang mang một sự đồng cảm nhất định với những thần tượng của mình. Họ như là những ánh nến luôn dẫn dắt tinh thần và soi sáng con đường khởi nghiệp cho nhiều người trong số chúng ta. Khi thất bại, ta tìm đọc về thất bại của họ, khi thành công ta tìm đọc về thành công, phải chăng đó là một sự kết nối ngầm trong tiềm thức của những người khởi nghiệp.
Từ đó cũng thấy được, ý tưởng của chúng ta bị ảnh hưởng và chi phối rất nhiều từ những thần tượng mà mình chịu ảnh hưởng. Đừng nói với tôi rằng bạn không có một thần tượng nào để học hỏi từ người đó, và rằng bạn là người “original”-100%-nguyên xi-nguyên tem. Đó có lẽ là lời nói dối tệ nhất mà tôi tin rằng chính bạn cũng đang tự lừa dối mình. Cũng phải nói thêm rằng, ăn cắp ý tưởng chẳng có gì là xấu cả. Picasso cũng đã nói rằng “Bad artist copy, good artist steal” (nghệ sĩ dỏm thì copy, nhưng nghệ sĩ giỏi thì ăn cắp).
Nếu bạn ăn cắp ý tưởng từ người này người kia, pha trộn rồi “hợp thức hoá” thành ý tưởng của mình thì điều đó quá tuyệt vời. Nó hoàn toàn khác với chuyện copy y chang một ý tưởng nào đó mà không có sự tinh chỉnh cho đúng với chủ thể cũng như điều kiện xung quanh. Thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay đã và đang được tạo nên từ những “good artists” biết đánh cắp đúng nơi, đúng lúc, và đúng cái cần đánh cắp. Những vĩ nhân từ hoạ sỹ, nhạc sỹ, nhà khoa học hay doanh nhân đều lấy ý tưởng sáng tạo của mình từ những người đi trước, từ bạn bè, từ câu chuyện hàng ngày từ cuộc sống xung quanh, và đương nhiên họ tiêu hoá ngon lành, biến nó thành một ý tưởng thay đổi thế giới.
Vậy việc cần làm là gì? Tìm những người mà bạn thật sự yêu thích, họ có thể là bất kỳ ai, một ông thầy chùa, một mục sư, một nhà kinh doanh, một nhà phát minh. Ai cũng được, miễn là họ truyền được cảm hứng cho bạn. Hãy tìm tất cả những thông tin về họ, tìm cả những người mà họ thần tượng, bạn sẽ có được cả một hệ thống những người có cùng suy nghĩ và tư tưởng giống mình.
Ngoài ra, bạn sẽ còn có thể hiểu sâu được vì sao những người đó có chung một tư tưởng, vì sao, cơ duyên nào mà họ tìm ra ý tưởng của mình, bạn cũng sẽ nhận ra rằng họ cũng đã “ăn cắp” ý tưởng của người khác và biến nó thành một thứ rất riêng mang thương hiệu của chính mình.
Ý tưởng của chúng ta có khi chưa bằng một ly bia
Anh Nguyễn Tuấn Anh, CEO của Appota đã từng chia sẻ “chỉ cần một cốc bia là chúng ta có thể có được 10 ý tưởng”. Có thể nói rằng ý tưởng của bạn rất rẻ tiền, chỉ đến khi nào ý tưởng đó thực hiện thành công. Vậy thì chẳng có lý do gì chúng ta không chia sẻ ý tưởng của mình với tất cả mọi người. Hãy cho đi trước rồi chúng ta sẽ được nhận lại từ cộng đồng. Suy nghĩ giữ khư khư một ý tưởng vì sợ bị đánh cắp đã quá lạc hậu đặc biệt là trong thời buổi toàn cầu hoá hiện nay. Nếu nhìn vào thực tế ta có thể thấy rằng, Nếu có một ý tưởng mà ta không làm, thì y như rằng 1 tháng sau hay 1 năm sau sẽ có người khác làm mặc dù chúng ta không hề chia sẻ ý tưởng của mình với ai cả. Chỉ vì ý tưởng của chúng ta không bao giờ độc đáo tới mức không ai có thể nghĩ ra được,

Ý tưởng chẳng phải nảy sinh từ nhu cầu thường nhật của con người sao?. Việc chia sẻ ý tưởng rộng rãi còn giúp chúng ta tìm được những cộng sự có cùng chí hướng muốn bước trên con đường khởi nghiệp. Ta cũng sẽ dễ dàng tìm được nhà đầu tư hứng thú với những sáng tạo của mình, nếu không thật sự chia sẻ một cách phóng khoáng và chân thành nhất, con người sẽ “ngửi” được rằng bạn không chân thành và đang còn ếm lại cho bản thân mình quá nhiều thứ. Nếu không sẵn sàng cho đi trước, thế giới sẽ không bao giờ đón nhận bạn.
Ngoài tình thần “cho đi trước”, việc chia sẻ ý tưởng còn giúp bạn nhận lại được phản hồi từ những người giàu kinh nghiệm. Khi “moi hết bộ lòng” của mình ra trước thiên hạ, bạn sẽ nhận được những lời khuyên, bạn sẽ biết được những tử huyệt của dự án mà mình đang xây dựng, từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục và thậm chí chính những người mà bạn chia sẻ lại là người đóng góp ý kiến giúp startup của bạn thành công rực rỡ. Một con sói già cứ khư khư ôm miếng thịt một mình sẽ không bao giờ biết được ngoài kia còn nhiều miếng thịt tươi ngon, và rằng nó cũng không thể nhận ra rằng miếng thịt của mình đã ôi thiu từ khi nào rồi. Tôi xin kết thúc bằng một câu nói của đức Đài La Lạt Ma “Hãy cho đi trước, và đừng mong nhận lạ gì cả”. Có như vậy suy nghĩ của ta sẽ rộng lượng hơn, ý tưởng của chúng ta sẽ to lớn hơn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét